• 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
 Bài mới nhất

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Hiện tượng Thiên Nhãn xuất hiện trong Vũ trụ



(http://www.the-planet-pluto.com/nebu...ss-Nebula.html) tìm đến trang ghi tiêu đề “Hourglass Nebula” và “Supernova 1987A” thì sẽ thấy tất cả các tin tức về Thiên Nhãn này.

LTS - Vào trung tuần tháng 9, 2003, một sinh viên Hoa Kỳ nghiên cứu về tôn giáo Cao Đài đã thông báo cho chúng tôi biết là “Thiên Nhãn của quý tôn giáo đã được chứng minh qua khoa học không gian”. Sinh viên này đã chỉ dẫn chúng tôi vào một trang nhà trên internet (http://www.the-planet-pluto.com/nebu...ss-Nebula.html) tìm đến trang ghi tiêu đề “Hourglass Nebula” và “Supernova 1987A” thì sẽ thấy tất cả các tin tức về Thiên Nhãn này.

Thì ra vào năm 1996, Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA) đã chụp hình được một ngôi sao mà họ đặt tên là NEBULA HOURGLASS qua ống kính viễn vọng vệ tinh không gian có tên là “Hubble Space Telescope”. Người thường khi thấy tấm hình của ngôi sao Nebula thì thấy ngay đó là hình một “con mắt”, có hai vòng trên dưới được gọi là “hourglass” (dịch tiếng Việt là đồng hồ bằng thủy tinh có hai miếng hình tam giác, đựng cát nhỏ ở trong, cát chảy từ hình tam giác trên xuống hình tam giác dưới, nguyên tắc là khi cát hết chảy xuống thì một tiếng đồng hồ đã qua). Các nhà nghiên cứu hay học giả về tôn giáo thì cho đây là “con mắt của Thượng Đế” nhìn xuống trần gian, và chứng minh là trong Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo đã có nói trước đến hiện tượng này. Xin quý đọc giả theo dõi bài sau đây.

Thiên thể Nebula có hình dạng Thiên Nhãn có phải đã được báo trước từ xa xưa trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo ?

Hình dạng của Thiên thể Nebula –

Theo tài liệu của Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA) được phổ biến trên internet, gần đây, một thiên thể đang được nhìn thấy qua viễn vọng kính vệ tinh không gian vĩ đại Hubble (Hubble Space Telescope), có hình dáng giống như một cái đồng hồ thủy tinh cổ xưa, tiếng Anh gọi là Hourglass, hai đầu phình ra, hình tam giác, ở giữa thắc co lai. Thiên thể này có tên là Nebula hay là Hourglass Nebula. Theo như trang nhà http://www.hiddenmeanings.com/ ghi nhận, cho đến nay có hơn 300 ngàn người đã đến trang nhà này để nhìn thấy hình Nebula. Chắc chắn con số này càng ngày càng tăng.

Hourglass Nebula có hình dạng giống như những vòng tròn đỏ rực như lữa xếp thành hai nhóm theo chiều đứng, và cắt nhau theo cát tuyến hình cánh cung, tạo thành một khoảng không gian, giới hạn bởi những hình cánh cung, mà bên trong là một hình tượng rực rỡ của một con mắt có đủ lòng đen, con ngươi, và chuôi mắt (xem hình đính kèm). Tài liệu khoa học nói trên gọi hình tượng đó là “con mắt vĩ đại” (the great cosmic eye) hay là “con mắt vũ trụ” (the celestial eye), và nếu nói văn chương hơn, chúng ta gọi là “Thiên Nhãn” theo như giáo lý Cao Đài. Vậy thì Thiên Nhãn trong vũ trụ đang xuất hiện và Thiên Nhãn trong giáo lý Cao Đài có gì liên hệ nhau ?

Theo sự giải thích của các nhà khoa học, thì Hourglass Nebula là một hành tinh trẻ, vốn là dấu vết sáng chói của một ngôi sao đang chết dần có tên là Sun-like-Star. Theo lý thuyết về sự cấu tạo hành tinh Nebula thì hình dạng hành tinh này được tạo ra bởi sự bành trướng của cơn gió quay cuồng cực nhanh ở bên trong của đám mây xoáy một cách chậm chạp, làm cho ở xích đạo dầy hơn ở hai cực.

Nếu đây chỉ là một tài liệu khoa học thì chúng tôi xin miễn bàn luận xa. Nhưng chính tài liệu này của Cơ Quan NASA làm cho một số các nhà nghiên cứu tôn giáo đặt ra một vấn đề liên hệ đến Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, và điều này làm cho chúng tôi không khỏi không liên tưởng đến giáo lý Cao Đài của chúng ta.

Triết gia Bill Dona ở New Jersey viết : “Tôi cần chia xẻ với quý bạn một việc còn đóng kín mà kính viễn vọng Hubble đã cho chúng ta, nhưng trước khi quý bạn nhìn vào đó, tôi yêu cầu quý bạn đọc những điều sau đây trong Thánh Kinh. Khi quý bạn đã đọc những điều trong đó, tôi hỏi quý bạn về sự suy nghĩ. Có phải con mắt gợi lại những gì cổ xưa đã nói rồi, và nếu đúng như vậy, những gì ám chỉ cho chúng ta biết về ngày hôm nay ?”

Liên hệ đến Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo.

Các điều trong Thánh Kinh được trích dẫn nơi tài liệu nói trên là Thiên Psalms (tức Thi Thiên) ở các đoạn 32:8, 33:18, 94:9, và Thiên Job (tức Giốp) ở đoạn 28:10. Thiên Thi Thiên và Thiên Job thuộc Cựu Ước Kinh (có trước Thiên Chúa). Trong Tân Ước Kinh (lúc có Thiên Chúa), Thiên Matthew (Mathi-ơ), đoạn 6:22, được trích dẫn. Chúng tôi xin ghi lại nguyên văn các trích dẫn nói trên trong quyển Thánh Kinh bằng Việt ngữ của United Bible Societies (Hoa Kỳ) :

Thi Thiên đoạn 32, câu 8 của Cựu Ước ghi : “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt Ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.” (I will instruct thee and teach thee in the way which thou shalt go : I will guide thee with mine eye)

Thi Thiên đoạn 33, câu 18 của Cựu Ước : “Kìa, mắt của Đức Giê Hô Va đoái xem những người kinh sợ Ngài, hãy cố đến Ngài và trông cậy vào sự nhơn từ của Ngài.” (Behold, the eye of the Lord is upon them that fear him, upon them that hope in his mercy).

Thi Thiên đoạn 94, câu 9 của Cựu Ước : “Đấng đã gắn tai, há sẽ chẳng nghe sao ? Đấng đã nắn con mắ,t há sẽ chẳng thấy ư ?” (He that planted the ear, shall he not hear ? He that formed the eye, shall he not see?)

Job (Giôp) đoạn 28 câu 10 trong Cựu Ước : “Người đục hang trong hòn đá. Mắt nó tìm được mọi bửu vật bên trong .” (He cutted out rivers among the rock, and his eye seeth every precious thing)

Mathi-ơ đoạn 6 câu 22 trong Tân Ước : “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa, thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng.” (If your eye be single, your body should be filled with light).

Tài liệu của cơ quan NASA còn nhấn mạnh là “con mắt vũ trụ vĩ đại” đang nhìn xuống tất cả trái đất. Đây là lúc mà như Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo đã nói : “Ta sẽ dẵn dắt ngươi bằng con mắt của Ta.” (The great cosmic Eye is looking down all earth. It is time , as the scripture said, I will guide you with my Eye).

Hiện nay, muốn thấy hình Thiên Nhãn này, phải nhìn qua viễn vọng kính không gian Hubble, nhưng khoa học gia George Sonneborn của cơ quan NASA ở Greenbelt, Maryland, tiên đoán như sau trước Hiệp Hội Thiên Văn Hoa Kỳ: “Hiện tại các tia sáng phát xuất của ngôi sao này không thể thấy được, nhưng đang bắt đầu sáng rực với sự phát xuất của những tia hồng quang tuyến. Sự va chạm cực kỳ mạnh của các tia này có thể cho địa cầu chúng ta thấy ngôi sao này với con mắt thường vào năm 2005.” (George Sonneborn of NASA Goddard Space Flight Center in Greenbelt Maryland, speaking to a meeting of the American Astronomical Society, said : " The wave of energy from the exploded star is now invisible, but it is beginning to shine brightly in ultraviolet emissions. The immense energy of the collision probably will begin to glow in visible light upon the earth by 2005.”). Như vậy, có thể vào năm 2005, nhân loại sẽ nhìn thấy thiên thể Nebula dưới hình dạng giống y như một con mắt không gian vĩ đại, hay là con mắt Trời, mà chúng ta gọi đó là Thiên Nhãn.

Rõ ràng Hourglass Nebula có hình dạng Thiên Nhãn quả là một việc thần bí, chứ không chỉ là một hiện tượng khoa học thông thường về các thiên thể trong vũ trụ.

Suy nghĩ về sự liên hệ với Thiên Nhãn trong giáo lý Cao Đài


Thiên nhãn trong vũ trụ xuất hiện thể hiện sự huyền diệu về sự hiện hữu của Thượng Đế, vì theo giáo lý Cao Đài, Thiên Nhãn là biểu tượng của Thượng Đế mà người tín đồ Cao Đài cung xưng là Đức Chí Tôn. Điều này chứng tỏ Thượng Đế có thật, chứ không phải chỉ là sản phẩm của lý trí theo như những kẻ vô thần diễn dịch.

Hơn 78 năm trước, Thiên nhãn đã xuất hiện tại Dương Đông (Phú Quốc) của nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu. Lúc đó chỉ có duy nhứt Ngài Ngô Minh Chiêu được hạnh ngộ nhìn thấy. Nhưng, nếu lời tiên đoán của nhà khoa học George Sonneborn được thực hiện, thì có thể vào năm 2005 hay sau đó, toàn nhân loại sẽ thấy được Thiên Nhãn trong vũ trụ bằng mắt thường, nghĩa là Đức Chí Tôn đã cho toàn nhân loại thấy sự huyền diệu của Ngài và thức tĩnh những kẻ vô thần phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế.

Sự xuất hiện của Thiên Nhãn trong vũ trụ, phải chăng là câu trả lời của Đức Chí Tôn trong Thánh Giáo ngày 27-2-1926 :”Chưa đến hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh tượng Thiên Nhãn thờ Thầy.” Như vậy toàn thể nhân loại có thể nhìn thấy Thiên Nhãn trong vũ trụ, chừng đó sẽ hướng về Đạo Cao Đài để tìm hiểu chơn Đạo của Đức Chí Tôn. Đạo Cao Đài lúc đó sẽ khai môn để rộng mỡ đón những ai tìm đến. Dĩ nhiên là từ ngay bây giờ người tín hữu Cao Đài bằng mọi cách phải phổ truyền nền Đại Đạo cho nhân loại biết càng nhiều càng tốt, để khi họ nhìn thấy “con mắt Trời” xuất hiện, họ sẽ liên tưởng ngay đến Đạo Cao Đài.

Sau cùng, sự xuất hiện của Thiên Nhãn trong vũ trụ là một điều kỳ bí, mà theo chúng tôi, có bốn báo hiệu :

1. Báo hiệu về ngày phán xét cuối cùng sẽ đến

2. Báo hiệu nhân loại hãy hướng về Đức Thượng Đế hay Đức Chí Tôn là một Đấng toàn năng duy nhứt để tránh sự kỳ thị chủng tộc và phân chia tôn giáo có nguy cơ đưa đến ngày tận diệt.

3. Báo hiệu về đại họa của nhân loại đã đến, tức ngày tận diệt gần kề, vì con người quá nhiều tội lỗi, tương sát tương tàn, phong hóa suy đồi, nên không sao tránh khỏi luật Thiên điều.

4. Báo hiệu về một tân tôn giáo của nhân loại, “có một giáo lý mới mẽ đủ khả năng kềm chế nhân loại trong sự thương sót chúng sanh” (Thánh giáo ngày 1-10-1926). Đó là tôn giáo Cao Đài.

1. Thiên Nhãn xuất hiện trong vũ trụ báo hiệu ngày phán xét cuối cùng sẽ đến.

Tôn giáo nào cũng nói đến ngày phán xét cuối cùng để dạy con người đi theo con đường đạo đức thuần lương, hàu thoát khỏi họa tai trong kỳ phán xét cuối cùng. Thiên Chúa Giáo thì gọi là ngày phán xét, còn Phật Giáo và Cao Đài thì gọi là Hội Long Hoa. Kinh Đại Tường có câu : “Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị”. Con mắt thông thường thể hiện sự nhìn, sự quan sát, sự xem xét hay phán xét. Con mắt trong vũ trụ hay Thiên Nhãn thể hiện sự nhìn từ trên cao thấy bao quát tất cả địa cầu. Cựu Ước Kinh có dạy : “Đấng đã gắn tai, há chẳng nghe sao ? Đấng đã nắn con mắt, há chẳng thấy ư ?” (Thi Thiên 94:9)

Thiên Nhãn là biểu tượng của Đức Chí Tôn. Người ở trên tầng cao của vũ trụ nhìn xuống thế gian thấy tất cả, biết tất cả, rồi từ đó phán xét con người. Đây là sự phán xét để luận công định tội. Do đó, Đức Chí Tôn mới khai mỡ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là phổ độ kỳ ba, tại Việt Nam, để cứu rỗi những kẻ hữu phần và biết giác ngộ trỡ về con đường đạo đức để được dự vào Hội Long Hoa, tức được sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế. Phỏ Độ kỳ ba là kỳ cuối cùng, nếu không sớm tu thì sẽ không còn dịp nào nữa. Bởi vậy Đức Chí Tôn mỡ cơ tận độ, tức độ tất cả chúng sanh về với Đức Chí Tôn (tức Thượng sanh) và độ đến phẩm cao nhứt (tức Thượng phẩm).

Đức Chí Tôn chẳng những mỡ cơ tận độ, mà còn ban hành luật đại ân xá, để bất cứ chúng sanh nào cũng có cơ hội mau chóng hồi cựu vị. Chưa hết, Đức Chí Tôn lại dạy : “Chính mình Thầy đến dạy dỗ các con, không giao chánh giáo cho tay phàm nữa”. Do đó Đức Chí Tôn giáng trần, dùng huyền diệu cơ bút để lập Đạo và dạy Đạo. Điều này chứng tỏ Thượng Đế là một hiện thực, mà con người có thể tiếp xúc được. Vậy sự phán xét của Đức Chí Tôn đối với con người, không phải như một người bàng quang luận công định tội, mà trước hết là một người Thầy dạy dỗ con người trỡ về con đường thuần lương đạo đức. Sự dạy dỗ này trong tình cha con thân thiết, nên con người cung xưng Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ.

Vậy Thiên Nhãn xuất hiện trong vũ trụ là báo hiệu Thượng Đế đến thế gian để dìu dắt con người tu tĩnh và cũng nói lên ngày Phán xét cuối cùng của Người sẽ đến. Thánh Kinh Thiên Chúa đã nói đến việc này trong các điều chúng tôi trích dẫn trên. Ngài (Thượng Đế) đến để dìu dắt và dạy dỗ con người (Thi Thiên 32:Cool. Ngài nghe thấy tất cả chuyện thế gian, không ai dấu diếm được (Thi Thiên 94:9). Con người đừng kinh sợ Ngài, mà cố đến Ngài, trông cậy vào sự nhơn từ của Ngài (Thi Thiên 33:1Cool.

Sau cùng con người sẽ chịu sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế qua một cuộc sàn sẩy, gạn đục lóng trong. Những kẻ hiền lương đạo đức sẽ được sống ở nước Đức Chúa Trời, là một Thiên Đàng tại thế, mà giáo lý Cao Đài gọi là đời Thượng ngươn Thánh đức. Đây cũng là ý nghĩa của câu trong Thiên Job (đoạn 28:10) : “Người đục hang trong hòn đá. Mắt nó tìm được mọi bửu vật bên trong.” Tức là Đức Chí Tôn cố gắng dạy dỗ dìu dắt con người, mà con người quá nhiều tội lỗi, nên rất khó khăn lắm mới dìu dắt được (đục hang trong đá), để phán xét mà chọn người hiền đức đem vào đời Thánh đức (tìm được bửu vật bên trong).

Nhưng con mắt còn biểu hiện sự xem xét của chính mình hay là hồi quang phản chiếu. Tân Ước Kinh có ghi : “Hãy tĩnh thức vì các người không biết ngày nào Chúa mình đến.” (Mathi-ơ 24:22). Tĩnh thức nghĩa đen là tĩnh táo, không ngũ mê, nhưng có nghĩa ẩn dụ là hãy sáng suốt nhìn lại chính mình để tìm chân lý, tức dùng lương tâm mình để soi rọi chính mình, tức tìm Chúa ở trong Tâm của mình. Bởi vì Chúa tái lâm không phải như lần trước để con người thấy được, nghe được lời dạy của Chúa, mà là theo Thánh kinh, Chúa sẽ đến như một kẻ trộm đi đêm, tức âm thầm không ai biết, không ai thấy (Mathi-ơ 24:42-44). Điều này chỉ là một ẩn dụ có ý nghĩa là mọi con người hãy sáng suốt nhìn lại tâm mình để tìm thấy sự thương yêu ở trong đó. Khi con người biết thương yêu nhau thì chính là Chúa hay Thượng Đế đã âm thầm đến với họ đó.

Câu Thánh Kinh trong Mathi-ơ 6:22, trích dẫn ở phần trên : “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng.”, cũng có ý nghĩa là sự sáng suốt để tự phán xét mình, để đi vào con đường thuần lương đạo đức.

2. Thiên Nhãn xuất hiện trong vũ trụ báo hiệu một Thông Điệp của Thượng Đế gửi cho nhân loại, rằng: Thượng Đế là Đấng toàn năng duy nhất và tuyệt đối, và là Đấng Cha chung của con người.

Thiên Nhãn là biểu tượng của Thượng Đế. Theo giáo lý Cao Đài, các Tôn giáo đã đến lúc phải qui nguyên về một là Thượng Đế, là nguồn cội ban đầu, vì các Tôn giáo đều từ Thượng Đế mà ra, và các Giáo Chủ các Tôn giáo đều do Thượng Đế hóa thân trong xác phàm để tùy phong hóa mỗi nơi mà giáo đạo cho hợp với dân trí và phong tục tại nơi đó. Nay thì các phương tiện truyền thông và giao thông đã phát triển vượt bực, nhân loại gần nhau hơn, liên lạc với nhau dễ dàng, sự nhận thức do đó sẽ đi đến chổ đồng nhất, nên Đức Chí Tôn mới qui nguyên phục nhứt, tức là đem các Tôn giáo về một lúc ban đầu là Thượng Đế, là Đấng Cha chung của nhân loại.

Thánh Giáo ngày 28-11-1926 dạy rằng : “Người sống trên thế gian này, dầu thuộc giống dân nào, cũng chỉ có một Cha chung mà thôi, ấy là Trời đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng đạo lý, mà chính các con phải cùng chung chịu đau khổ để rửa tội các con ở cỏi thế gian này.”

Thánh Giáo ngày 17-12-1926 dạy rằng : “Thầy là Jehovah của dân Hebreux, vị chủ tể của quân lực dân Israel, vị Thánh vô danh của dân Do Thái, Đức Đại Từ Phụ của Chúa Jesus Cứu Thế. Con chỉ cần cầu nguyện Thầy với danh hiệu Cao Đài thì sẽ có sự cảm ứng chấp thuận.”

Thánh Giáo ngày 7-4-1926 :

“Nhiên Đăng Cổ Phật thị ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị ngã,
Thái Thượng Ngươn Thỉ thị ngã,
Kim viết Cao Đài.”

Trong Cựu Ước Kinh, Thiên Phục truyền luật lệ ký đoạn 5 câu 7-8-9, chương “Truyền lại 10 điều răn”, dạy con người không được làm hình tượng giống như ở trên Trời ở dưới đất, hoặc ở trong nước dưới đất, và không được quì lạy trước các hình tượng đó, hay hầu việc cho chúng nó, và trước mặt Đức Jehovah Đức Chúa Trời, con người cũng không được thờ Thần khác. Điều này có nghĩa là con người chỉ biết có Đức Chúa Trời mà thôi. (Việc không được thờ các hình tượng và các Thần khác cũng được ghi trong Thiên Xuất Ê dip Tô ký (20:4), Thiên Các Vua II (17:3), Thiên Giê-rê-mi (25:6). 10 điều răn cũng được ghi trong Thiên xuất Ê dip Tô ký (20:4).”

Trong Thiên Thi Thiên (99:5) có ghi lời dạy : “Hãy tôn cao Giêhôva Đức Chúa Trời chúng tôi và thờ lạy trước hệ chơn Ngài. Ngài là Thánh”, và “Hãy tôn cao Giêhôva Đức Chúa Trời chúng tôi và thờ lạy trên núi thánh Ngài. Vì Giêhôva Đức Chúa Trời chúng tôi là Thánh.”(Mathiơ 99:9)

Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ báo hiệu Đức Chí Tôn giáng lâm để tự mình Người dìu dắt nhân loại trở về ngôi vị củ, vì con người, dù thuộc giống dân nào, vốn từ chơn linh của Thượng Đế mà ra, để quy nguyên các tôn giáo về nguồn cội là cái một ban đầu là Thượng Đế. Hiện tượng Thiên nhãn trong vũ trụ nhắc nhở con người hãy hướng về Thượng Đế là mục tiêu duy nhất, vì Thượng Đế là Đấng Toàn Năng duy nhất và tuyệt đối.

Thánh Giáo đêm Giáng Sinh năm 1925 :

“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,

Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.”

Hướng về Thiên nhãn là hướng đức tin về Thượng Đế, để theo sự dìu dắt và dạy dỗ của Người, mà trong kỳ ba phổ độ này, Đức Chí Tôn tự mình giáng trần lập Đạo và dạy Đạo để độ rỗi nhơn loại. Hướng đức tin về Thượng Đế là Đấng duy nhứt, là Đại Từ Phụ, để luôn ghi lòng lời dạy của Ngài : “Nhân loại là một. Một về chủng tộc. Một về Tôn giáo. Một về tư tưởng.” Đây sẽ là thông điệp của Thượng Đế gửi cho nhân loại, qua biểu tượng Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ.

3. Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ báo hiệu ngày tận diệt gần kề không sao tránh khỏi.

Đạo Cao Đài chỉ nói tận diệt mà không nói tận thế. Tận thế là tất cả đều tiêu tan, trái đất này không còn. Tận diệt là tiêu diệt gần hết cuộc sống trên thế gian này, nhưng cuộc sống đó vẫn còn và trái đất này vẫn còn. Theo giáo lý Cao Đài, tận diệt nhân loại là do Luật Thiên điều không sao tránh khỏi, để gạn lọc những người thuần lương đạo đức, được sống vào thời Thượng ngươn Thánh đức, tức là những người có Thánh tâm. Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ báo hiệu ngày tận diệt gần kề không sao tránh khỏi đó.

Tại sao con người phải bị tận diệt ? Thánh Giáo Cao Đài chỉ rõ :

“Cang thường điên đão, phong hóa suy vi, những mảng ghét lẫn nhau, giành xé nhau, mỗi tôn giáo phân chia, đạo nước nhà chẳng đoái.” (Thánh giáo ngày 21-1-1927)

“Hiện nay vì thế gian hung bạo nên thời kỳ tận diệt đã hầu kề. Nhân loại tàn sát lẫn nhau bởi không biết dùng khoa học vào việc phải, nên nó biến thành chia rẽ và chiến tranh.” (Thánh giáo ngày 1-10-1926)

“Họa Âu tai Á sẽ vì Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu đê thảm, cho những giống dân nào đã vì hung bạo mà gây nên điều thán oán khắp cả Càn khôn này.” (Thánh giáo ngày 20-2-1927)

“Dầu Thầy có khoan dung cách mấy đi nữa, Thầy cũng không thể bôi xóa được tội lỗi của các con đã làm từ lúc tạo thành nhân loại. Từ nay Thế giới phải chịu trong vòng hắc ám. Tinh thần đạo đức sẽ tiêu mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu.” (Thánh giáo ngày 27-10-1926)

Nhân loại bị tận diệt, không chỉ do sự tương sát tương tàn lẫn nhau, mà còn do các bệnh chướng không phương cứu chữa. Thánh giáo :”Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau, tới buổi bịnh chướng sát hại.” (5-2-1927). Do đó “Càn khôn càng náo nhiệt, ngày tận diệt đã gần kề.”Thánh giáo 3-1-1927)

Theo Thánh Kinh Thiên Chúa, ngày tận diệt sẽ đến được báo hiệu bằng các việc sau :

“Vì nhiều người mạo danh Ta đến mà nói rằng : Ta là Đấng Christ” (Mathiơ 24:5)

“Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc.” (Mathiơ 24:6)

“Dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch với nước kia, nhiều chổ sẽ có đói kém và động đất.” (Mathiơ 24:7)

“Lại vì tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng thương mến của phần nhiều người sẽ nguội dần.” (Mathiơ 24:12)

“Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có Trời đất đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau này cũng không hề có nữa.” (Mathiơ 24:21)

“Vì nhiều Christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những đấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.” (Mathiơ 24:25)

Những gì trong Thánh Kinh Thiên Chúa và Thánh giáo Cao Đài dạy đều đúng với hoàn cảnh tàn sát, thù hận nhau của nhân loại hiện nay. Đó là tương sát tương tàn vì hận thù chủng tộc, vì phân biệt tôn giáo, vì cuộc sống vô đạo, luân thường đảo ngược, phong hóa suy vi.

Ngày tận diệt sắp tới không phải chỉ do chiến tranh khủng khiếp, vì vũ khí giết người hàng loạt, mà còn do bịnh chướng không phương cứu chữa, và các hoạn nạn lớn như động đất thiên tai. Nạn tận diệt sẽ đưa con người từ mười phần chỉ còn lại một mà thôi. Ngày tận diệt đó được Thánh Kinh Thiên Chúa diễn tả như sau, trong Thiên Khải huyền và Thiên Mathiơ.

Trong Thiên Khải huyền của Tân Ước kinh, chương 6, câu 12, 13, 14 và 17 có tiên tri : “Tôi nhìn xem khi chiên con mỡ ấn thứ 6 thì có một cơn động đất lớn, mặt Trời bèn trỡ nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt Trăng trở nên như huyết. Các vì sao trên trời sa xuống đất như những trái xanh của một cây và bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống đất. Trời bị dời đi như quyển sách cuốn vun tròn, và hết thảy các núi, các đảo bị quăng ra khỏi chổ của mình. Vì thịnh nộ của Ngài đến, còn ai đứng nỗi.”

Trong Thiên Mathiơ, đoạn 24 câu 29 ghi : “Sự tai nạn của những ngày đó vừa qua, thì mặt Trời liền tối tăm, mặt Trăng không sáng, các sao trên Trời sa xuống và thế lực của các tầng Trời rúng động.”

4. Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ là sự huyền diệu của Đức Chí Tôn về sự giáng trần của Người và chính Người lập Đạo Thánh và giáo đạo để dẫn dắt nhân loại kịp dự Đại Hội Long Hoa.

Cách đây hơn ba phần tư thế kỷ, Đức Chí Tôn đã giáng trần lập Đạo Cao Đài và dạy Đạo qua huyền diệu cơ bút, tại một nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, còn trong vòng thống trị của ngoại bang. Vì thế, Thế giới không biết đến Đạo Cao Đài dù đó là một đạo Thánh. Thiên nhãn đã xuất hiện ở Dương Đông, Phú Quốc, nhưng chỉ có Ngài Ngô Minh Chiêu được hạnh ngộ nhìn thấy. Rồi Đức Chí Tôn lại dạy quý vị Tiền khai vẽ biểu tương Thiên nhãn mà thờ Người, vì Người chỉ là vô vi, vô ảnh, vô hình. Vậy Thiên nhãn là biểu tượng của Đức Chí Tôn và cũng là đặc trưng của Đạo Cao Đài.

Thiên nhãn xuất hiện ở Dương Đông là một huyền diệu, nhưng chỉ có tín đồ Cao Đài nhận thức điều đó. Đức Chí Tôn giáng trần lập Đạo Thánh là Đạo Cao Đài, và tự mình Người dạy dỗ con người bằng huyền diệu cơ bút, chỉ có dân tộc Việt Nam biết điều đó, nhưng những người ngoại quốc chắc chắn không tin. Bây giờ Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ, phải chăng Đức Chí Tôn cho toàn nhân loại thấy sự huyền diệu của Người, đã xãy ra cách đây hơn 78 năm là sự thực, và Người báo cho nhân loại trên hành tinh này biết rằng chính Người đã giáng trần qua hình ảnh Thiên nhãn để dẫn dắt nhân loại đi theo đường chơn đạo, mà giáo lý Cao Đài đã từng nói đến. Việc này gợi lại Thánh Kinh Thiên Chúa, phần Cựu Ước, Thiên Psalms (Thi Thiên) ”I will instruct thee and teach thee in the way which you shalt go : I will guide thee with mine Eye.” (Thi Thiên 32:Cool (Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi. Mắt Ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi – bản dịch của United Bible Societies).

Do đó người tín đồ Cao Đài tin tưởng rằng Đạo Cao Đài là một Đạo Thánh, vì do chính Đức Chí Tôn lập ra và “chính mình Thầy đến dạy dỗ các con, không giao chánh giáo cho tay phàm.” Đức tin đó vững mạnh trong lòng mọi tín đồ Cao Đài, nhưng không thể làm những người ngoài Đạo Cao Đài và toàn nhân loại tin việc đó, vì họ chưa hề thấy Thiên nhãn và chưa hề nhận thức được việc Thượng Đế giáng trần qua huyền diệu cơ bút, nhất là hiện nay tà thuyết ở khắp nơi, mà chánh tà, tà chánh nan phân.

Với đức tin vững mạnh đó, người tín đồ Cao Đài luôn luôn quyết tâm truyền bá Đạo Cao Đài sâu rộng và trên toàn thế giới, để mọi người biết được sự huyền diệu của Đức Chí Tôn và hiểu được chơn Đạo của Người. Với kiến thức và khả năng hạn chế, làm sao người tín đồ Cao Đài truyền bá được cho người ngoại quốc ? Làm sao người tín đồ Cao Đài, vốn là dân tộc một nước Việt Nam nhược tiểu lạc hậu, có thể thuyết phục cho mọi người trên thế giới tin việc Thượng Đế đã giáng trần lập Đao Thánh và dạy Đạo? Nhưng người tín đồ Cao Đài vẫn quyết tâm thi hành lời giáo huấn của Đức Chí Tôn là nhận sứ mạng phổ độ chúng sanh khắp năm châu với khả năng quá ít oi của mình, bởi vì luôn luôn tin tưởng vào lời dạy của Đức Chí Tôn : “Các con cứ làm, mọi việc Thầy đã định trước.”, và “Các con muốn điều chi thì Thầy đã định rồi.” Phải chăng Đức Chí Tôn đã định trước việc Thiên nhãn xuất hiện trong vũ trụ ngày hôm nay, để minh chứng cho việc Thiên nhãn xuất hiện cách nay hơn 78 năm ở Dương Đông , Phú Quốc ?

Người tín đồ Cao Đài tin tưởng Đạo Cao Đài sẽ được truyền bá khắp toàn cầu , nhưng không phải do khả năng của mình có thể làm được, mà sẽ do những sứ giả của Đức Chí Tôn được rải rác ở khắp năm châu chờ lịnh Ngọc Hư Cung đến với chúng ta, như Đức Quyền Giáo Tông đã cho biết : “Rồi đây các nguyên nhân sẽ đến rần rần giúp Đạo.”

Mọi việc Thầy đã định trước. Chúng ta cứ làm theo khả năng của chúng ta. Chúng ta hiện có ưu thế là ở hải ngoại dễ dàng làm việc phổ biến giáo lý của Đạo qua phương tiện truyền thông hàng đầu là internet. Chúng ta đánh chuông , giống trống, cho biết là có một nền tân Tôn giáo, đó là Đạo Cao Đài, rồi thì các nhà nghiên cứu về tôn giáo, các học giả, các triết gia, sẽ biết đến, tự dộng tìm đến chúng ta để tìm hiểu thêm, và họ cũng sẽ tự động phổ biến Đạo dùm cho chúng ta bằng các viết sách vở hay thuyết trình về Đạo Cao Đài. Điển hình là công việc của CQTGHN đã làm trong hơn 5 năm qua. Đạo Cao Đài từng bước một được thuyết trình trên các diễn đàn tôn giáo quốc tế, đươc các Viện Đại Học chấp thuận cho giảng dạy, chẳng hạn như ở Nga, Đức Quốc, Bangladesh. Nhiều Giáo Sư Tiến Sĩ của các Đại Học trên thế giới tự nghiên cứu về Đạo Cao Đài và tìm đến CQTGHN để xin tài liệu sách vỡ. Nhiều sinh viên ngoại quốc lấy đề tài Đạo Cao Đài cho luận án của họ ở mức Cao Học hay Tiến Sĩ. Đó chính là những “nguyên nhân” đã giáng trần để đi rao giảng Đạo Cao Đài thay thế cho chúng ta.

Đức Chí Tôn đã nói trước : “Nhiều đứa đi truyền Đạo mà trong lòng kính sợ kẻ thọ giáo. Thầy hỏi: Phải nghịch chơn lý hay chăng ?...Thầy lại thấy nhiều đứa chưa hiểu thấu huyền diệu là gì, bị người chê rồi về còn biếm nhẻ nữa. Phải nghịch chánh lý chăng ? Do đó, Thầy khuyên các con nhớ hoài rằng, Thầy của các con là ông Thầy Trời, nên biết một mình ổng mà thôi, thì đủ, nghe à!” (Thánh giáo 29-9-1926).

Nước Việt Nam được hồng ân là có được một Đạo Thánh. Dân tộc VN lại được sứ mạng truyền bá chơn Đạo của Đức Thượng Đế đến toàn nhân loại. Vì thế mà, trong một bài Thánh giáo cho biết trườc : “Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc, mà sau này làm chủ mới là kỳ.”, và :

“Hảo Nam bang ! Hảo Nam bang !

Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn.

Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,

Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.”

Hiện tượng Thiên nhãn trong vũ trụ biểu hiện bằng chứng là Đức Chí Tôn cho thấy những điều trong giáo lý Cao Đài về Thiên nhãn là có thực đó, để nhân loại tin tưởng và hướng về Đạo Cao Đài mà tìm hiểu chơn đạo của Đức Chí Tôn, từ lâu đã được dạy trong giáo lý Cao Đài, mà ít người tin là chính Đức Chí Tôn dạy dỗ.

Kết luận

Thiên nhãn là biểu tượng của Thượng Đế. Thiên nhãn xuất hiện trong không gian biểu hiệu sự hiện hữu của Thượng Đế và là lời kêu gọi của Thượng Đế gửi cho toàn nhân loại là hãy đến với Thượng Đế là Đấng Toàn Năng duy nhất và tuyệt đối để được Người dạy dỗ, dẫn dắt đi theo con đường chơn Đạo. Chơn Đạo đó là sự thương yêu trong tình thương của Thượng Đế, và sự thương yêu trong tình anh em ruột thịt có cùng một Đấng Cha chung, tức là Thượng Đế. Vậy Thiên nhản trong không gian là lời kêu gọi của Thượng Đế là con người phải biết thương yêu nhau.

Có thương yêu nhau mới tránh khỏi ngày tận diệt do hận thù chủng tộc, phân chia tôn giáo đưa đến chiến tranh hủy diệt nhân loại. Thiên nhãn xuất hiện cũng có ý nghĩa là ngày phán xét cuối cùng sẽ đến để chọn người có Thánh tâm được sống trong đời Thượng ngươn Thánh đức.

Sau cùng, nhân loại muốn tránh khỏi họa diệt vong của ngày phán xét sau cùng, phải hướng đức tin về Thượng Đế và tuân theo lời dạy của Người theo về một giáo lý mới, có mục tiêu cứu rỗi con người, như trong Thánh Giáo ngày 1-10-1926: “Phải có một giáo lý mới mẽ đủ khả năng kềm chế nhân loại trong sự thương sót chúng sanh.” Giáo lý đó như thế nào? Xin đọc Thánh Giáo ngày 28/10/1927 : “Hãy đọc các Thánh ngôn của Thầy. Giáo lý của Thầy sẽ là Đại Đồng. Nếu nhân loại biết tu hành, thì đó là một nền Hòa Bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân tộc.”


Hà Ngọc Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét