• 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
 Bài mới nhất

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

KIẾN TRÚC TOÀ THÁNH

        

Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh cách Thị xã Tây Ninh độ 5km, cách Núi Bà Đen độ 8km và cách Sài Gòn (Thành Phố HCM) độ 100km. (hình bìa)


Nội ô Toà Thánh có diện tích độ 100 mẫu, bao bọc bởi 4000m hàng rào xây bằng gạch có trang trí hoa văn. Đường vào Nội Ô có 12 cổng, các cổng đều xây dựng kiểu Tam quan, đắp chạm hình Tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng) và hoa sen. Cổng chính cao và rộng hơn các cửa khác, đắp lưỡng long tranh châu, hoa sen, cùng ba cổ pháp: quyển sách Xuân thu, bình Bát vu và Phất trần. (hình 1)
Bình Bát Vu là bình đựng thực phẩm của tăng ni Phật giáo dùng khất thực
Phất Chủ là cây phất trần, dùng quét sạch bụi trần che lấp Tâm để ngộ Đạo. Đó là bửu bối của Đức Thái Thượng Lão Quân, tượng trưng Tiên giáo.
Xuân Thu là tên quyển sách sử do Đức Khổng Tử sáng tác, nêu lên quan điểm về thuyết Chính danh, Nhất quán, Trung dung, Đại đồng. Sách Xuân Thu được chọn làm cổ pháp cho Nho giáo.
Đạo Cao Đài chọn ba cổ pháp trên để nói lên sự đồng nguyên của Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo trong nền Đại đạo.
Từ Chánh môn có con đường dẫn thẳng hướng Đông tới Đền Thánh.
Nơi Chánh môn có đắp đôi câu liễn nói lên tôn chỉ của Đạo:
CAO THƯỢNG CHÍ TÔN ĐẠI ĐẠO HÒA BÌNH DÂN CHỦ MỤC
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI CAO ĐÀI CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN.
Ý nghĩa:
Đấng Chí Tôn ở trên cao hơn hết, mở ra một nền Đạo lớn hòa hợp và bình đẳng hướng tới dân chủ.
Kính phục tôn thờ Đấng Cao Đài, thời kỳ ân xá lần ba cùng chung hưởng quyền tự do.
Từ Chánh môn đến Đền Thánh, trước tiên ta thấy có ba bảo tháp để chứa nhục thể của Đức Hộ Pháp (ở giữa), Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh. Các Tháp được xây đắp, chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh vi và có hình Bát quái.

Qua khỏi các tháp là sân Đại Đồng Xã có tượng Thái tử Siddharta cưỡi ngựa tìm Đạo, theo sau là Channa, người hầu cận. Kế đến là Cửu Trùng Thiên, hình bát quái có 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ. Gần đó là cây bồ đề cổ thụ do Đại Đức Thera Narada tặng cây con lấy từ Bồ đề đạo tràng bên Ấn độ (1953). Chính nơi Bồ Đề đạo tràng, Thái tử Siddharta đã tham thiền nhập định và trở thành Đấng Giác Ngộ, Đức Phật Thích Ca (hình 2).

Hai bên Đại đồng xã có hai khán đài với 2 con đường dẫn đến Đền Thánh. Cách cội bồ đề vài thước có cột phướn với lá phướn phất phới bay trong gió. Cột phướn cao độ 18m, lá phướn dài 12m và rộng 1,2m. Phía trên màu vàng thêu hai con rồng chầu mặt trời. Thân phướn có ba sọc vàng, xanh, đỏ. Ở giữa vùng xanh có hình Thiên Nhãn, Cổ Pháp Tam giáo và sáu chữ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ bằng Hán tự(hình 3).
Sân gạch có cột phướn và cây Bồ đề được gọi là Đại Đồng Xã. Cái tên nói lên tính nhân bản chia xẻ cùng nhau, và tinh thần đại đồng để có thể chung sống hòa bình.
Sử Đạo ghi nhận các sự kiện về nguồn gốc thành lập Toà Thánh như sau:
7-10-1926, Quý vị khai sáng Đạo gửi Tuyên ngôn Khai Đạo đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol thông báo mở Đạo Cao Đài.
19-11-1926 (Rằm tháng 10 Bính Dần), Quý vị tiền khai mượn Chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự) tỉnh Tây Ninh, do Hoà Thượng Như Nhãn trụ trì, tổ chức đại lễ “Khai Minh Đại Đạo” trọng thể, kéo dài suốt mấy ngày với hàng vạn tín đồ.
Mấy tháng sau, chùa bị đòi lại nên Đức Lý Giáo Tông dạy quý ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang đi tìm đất để cất. Chọn mua được 100 mẫu rừng cấm. Về phong thủy, khu rừng này có địa thế rất tốt vì sâu dưới lòng đất có 6 mạch nước tụ lại gọi là Lục Long phò ấn.
Từ tháng Giêng năm Đinh Mão (1927),  Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông đã dạy tất cả chi tiết, kích thước trong họa đồ, nhưng vì tín đồ còn ít và quá nghèo nên một Tòa Thánh tạm được cất lên đơn sơ.
1931 đào móng, làm nền, đào hầm Bát Quái Đài. Ngài Thái Thơ Thanh trông coi.
1933 Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Nữ Đầu Sư Hương Thanh tiếp nối công trình được thời gian ngắn rồi ngưng lại.
13-10 Giáp Tuất (1934), Đức Quyền Giáo Tông mất.
1935 cất lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột, đổ tấm trần. Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh trông coi.
Sau khi Đức Quyền Giáo Tông đã đăng tiên, Đức Hộ Pháp được giao nắm quyền chưởng quản cả hai Hội Thánh Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài và lập kế hoạch xây cất thành công Tòa Thánh.
Ngài huy động được 500 người làm công quả. Tất cả đều lập nguyện trường chay và không lập gia đình để có đủ tinh khiết trong thời gian công quả xây dựng Đền Thánh. Tiến hành liên tục trong suốt bốn năm rưỡi thì chánh quyền Pháp khủng bố, bắt Đức Hộ Pháp đày đi Madagascar ở Phi Châu.
Đến 30-8-1946, Đức Hộ Pháp mới được trở về. Ngài huy động số người làm công quả trở lại tiếp tục công trình.
27-1-1947, Đức Hộ Pháp làm Lễ Trấn Thần Tòa Thánh
29-1-1947 (8-1-  Đinh Hợi), tổ chức Lễ An vị Quả Càn Khôn
1-2-1955 (9-1-Ất Mùi), nhân ngày Vía Đức Chí Tôn, Đại lễ khánh thành Toà Thánh được tổ chức vô cùng trọng thể.
Tín đồ Cao Đài rất hãnh diện có được Ngôi Tòa Thánh đồ sộ, nguy nga, tráng lệ do Thiên Ý hợp cùng Nhơn lực tạo nên, tiêu biểu cho nền Đại Đạo với tôn chỉ: Quy nguyên tam giáo, phục nhứt ngũ chi.
Top of Page



1. Theo qui định thiết kế
Nền cao 1.8 m, rộng 27m, dài 135m
Hiệp Thiên Đài dài 27m, có lầu chuông, và lầu trống cao 36m
Cửu Trùng Đài dài 81m, có tháp tròn ở giữa gọi là Nghinh Phong Đài cao 25m
      Bát Quái Đài dài 27m. tháp cao 30m
2. Theo thực tế:
Vì tín đồ lúc đó còn nghèo, Hội Thánh gặp khó khăn về tiền bạc nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Số đo thực tế chỉ còn có: chiều rộng 22m, dài 97.5m, trong đó:
        Hiệp Thiên Đài dài 13.5m
        Cửu Trùng Đài dài 63m
        Bát Quái Đài dài 21m
       
Top of Page



A. TỔNG QUÁT
Nhìn tổng thể Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh, người ta thấy Tòa Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Long Mã là con vật linh huyền thoại mang Hà đồ trên mình, gợi ý cho vua Phục Hy vẽ nên Bát Quái Tiên Thiên.
- Đầu Long Mã là mặt tiền nhìn thẳng về phía Tây. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là toà nhà lầu với tầng trệt (TỊNH TÂM ĐÀI) như miệng Long Mã hả ra.
  Tầng hai (PHI TƯỞNG ĐÀI) như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Giữa là mắt Huệ (Thiên Nhãn). Trên cao có tượng Đức Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen.(hình 4)

  • - Đuôi Long Mã là Bát Quái Đài hướng thẳng phía Đông
            - Thân Long Mã là phần ở giữa Đền (CỬU TRÙNG ĐÀI) chia thành 9 gian cao dần từ phía trước ra sau, nối liền Hiệp Thiên Đài với Bát Quái Đài.





  • B. MẶT TRƯỚC ĐỀN THÁNH     Tổng thể Đền Thánh rất nguy nga tráng lệ, chiều dài 97,5 mét, và chiều ngang 22 mét. Mặt tiền day về hướng Tây. Bên trái là Lầu chuông được gọi là Bạch Ngọc Chung Đài, bên phải là Lầu trống có tên là Lôi Âm Cổ Đài. Cả hai lầu đều cao 27 mét, có 6 tầng với chiều cao khác nhau, có mái ngắn phân chia các tầng.
    Tầng trệt (tầng một) của hai tháp có hai khuôn bông lớn hình chữ nhật, ở giữa có hai chữ Nho : CAO bên lầu trống và ĐÀI bên lầu chuông. Bên trên khuôn bông này là 4 ô hình tròn có gắn chữ Nho : BẠCH NGỌC CHUNG ĐÀI và LÔI ÂM CỔ ĐÀI.(hình 5 và 6 )
    Tầng hai của lầu chuông có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm quyền Thiên Thơ. Tầng hai của lầu trống đắp tượng Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh mặc đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm nhánh bông, tay trái xách giỏ hoa. Đây là hai vị chức sắc lớn có kỳ công khai mở Đạo và xây dựng Đền Thánh.
    Tầng ba có chiều cao nhỏ hơn, có gắn hai bông gió để thông hơi.
    Tầng bốn có chiều cao lớn nhất để bên trong đặt một cái trống lớn gọi là Lôi Âm Cổ  bên lầu trống và một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung bên lầu chuông. 
    Trên đỉnh lầu chuông, dưới ngọn thu lôi có tạc tượng cái hồ lô. Đó là bửu pháp của Đại Tiên Lý Thiết Quả, tiền kiếp của Đức Quyền Giáo Tông.
    Trên đỉnh lầu trống có tạc hình giỏ hoa lam là bửu pháp của Long Nữ (thị giả của Đức Quan Thế Âm). Vị nầy vốn là ngươn linh của bà Đầu Sư Lâm Hương Thanh.
    Ngay cửa chính, phía trước có đúc 4 cột trụ, mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ (LONG), một đắp hình hoa sen (HOA), chạm trổ rất tinh vi, màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho hai chữ  Long Hoa. ( hình 7 )
    Đại hội Long Hoa là một cuộc thi tuyển sau một Chuyển học hỏi và tiến hóa của nhân loại. Đại hội do Đức Di Lặc làm chưởng quản. Những người được chấm đậu trong kỳ thi công đức thăng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Những người có công đức chưa đủ sẽ sống sót trở thành giống dân mới lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Còn những người không đậu phải chờ đợi lớp thú cầm tiến hóa lên làm người mới nhập vào cùng chung sống, bắt đầu một chu trình tiến hóa mới. Sự chờ đợi ấy có thể kéo dài  cả triệu năm. Trước ngày khai Đại hội Long Hoa sẽ có cuộc phán xét cuối cùng. Sau cuộc biến động dữ dội đó, Địa cầu trở lại yên tĩnh.
    Để vào Đền Thánh, người ta phải bước qua năm bậc thềm. Năm bậc  tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại: Người, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Sau khi bước qua, ngước mắt nhìn ngay giữa ta thấy Cân Công Bình, cân tội phước từng con người, từng quốc gia...
    Nhìn sang bên phải là tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện (chánh tâm). Bên trái là tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Ác (vọng tâm).
    Phía trên 4 cột rồng có một bao lơn xây hình bán nguyệt, đó là Lao Động Đài, đắp hình tượng 8 nghề trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục với ý nghĩa: dù ở đâu, làm nghề gì, sau khi mất linh hồn cũng về Toà Thánh để được định tội phước
    Lá cờ Đạo được treo ngay giữa bao lơn (hình 8). Cờ Đạo Cao Đài có ba màu: vàng ở trên, xanh ở giữa, đỏ ở cuối:
    - Phần màu vàng có thêu sáu chữ bằng Hán tự:
     ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
    - Phần màu xanh thêu hình Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam Giáo (sách Xuân Thu, cây Phất Chủ, bình Bát Vu)
    Chính giữa hai lầu chuông trống là tượng Thiên Nhãn, tượng trưng Đấng Thượng Đế toàn năng, hằng hửu. Hai bên Thiên Nhãn có đắp 2 câu đối chữ Hán.
    HIỆP NHẬP CAO ĐÀI BÁ TÁNH THẬP PHƯƠNG QUI CHÁNH QUẢ.
    THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO NGŨ CHI TAM GIÁO HỘI LONG HOA.
    Ý nghĩa:
     Hiệp vào Cao Đài, trăm họ mười phương sùng Chánh giáo.
     Trời khai Đạo lớn, năm nhánh ba giáo hội Long Hoa.
    Trên hai câu đối nầy có hai chữ nho, bên phải là chữ Nhân, bên trái là chữ Nghĩa. Đó là một trong những triết lý của Đạo Cao Đài phát huy:
    NHƠN BỐ TỨ PHƯƠNG ĐẠI ĐAO DĨ NHƠN HƯNG XÃ TẮC.
    NGHĨA BAN VẠN ĐẠI TAM KỲ TRỌNG NGHĨA CHẤN SƠN HÀ
    Ý nghĩa:
    Lòng nhơn đem rải khắp bốn phương, đạo Cao đài lấy lòng nhơn làm hưng thịnh nước nhà.
    Điều nghĩa ban cho muôn đời, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xem trọng điều nghĩa để làm rạng danh nước nhà.
    Trên hai chữ Nhân Nghĩa có một hàng chữ Hán và một hàng chữ Việt đều viết : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
    Phía trên, ngay giữa hàng chữ nầy có Cổ Pháp Tam giáo là Bình Bát Vu (Phật), Phất chủ (Tiên) và quyển Xuân Thu (Thánh).Phía trong của tầng lầu hai  Hiệp Thiên Đài có tên Tiêu Diêu Điện.Chính nơi đây,các vị chức sắc Đại Thiên Phong xin thông công với các Đấng Thiêng Liêng bằng phương pháp Thần cơ diệu bút.
    Trên nóc Tiêu Diêu Điện có tượng Phật Di Lặc (Maitreya) ngồi trên lưng cọp để kỷ niệm năm Bính Dần khai Đạo. Ngài còn có tên là Từ Thị, Đấng Từ ái. Ngài đang giáo hóa tại cung trời Đâu Suất và sẽ là vị Phật tương lai xuất hiện ở thế gian theo lời Đức Phật Thích Ca đã thọ ký. Tương truyền rằng chính một ứng thân Bồ Tát của Đức Ngài khởi xướng trường phái Duy thức tông hay Duy Tâm Tông vào đầu thế kỷ thứ tư. Tranh vẽ Đức Di Lặc của Trung Quốc thường có biểu tượng là một vị mập tròn, vui vẻ với các trẻ em xung quanh. Đó là hình ảnh của Bố Đại Hòa thượng, một hóa thân của Di Lặc ở thế kỷ thứ 10. Tranh ở vùng Bắc Ấn và Tây Tạng thường vẽ Ngài với tay bắt ấn chuyển pháp luân, có nghĩa rằng khi xuất hiện trên thế gian, Ngài sẽ quay bánh xe Pháp một lần nữa để cứu độ tất cả chúng sinh. Mặt khác, theo Thánh giáo, Đức Chí Tôn lập Đạo và đưa nhơn loại đến Hội Long Hoa do chính Đức Di Lặc  làm Chánh chủ khảo tuyển chọn và truyền giảng Lý HÒA ĐỒNG – BÁC ÁI  tạo đời Thượng ngươn Thánh đức.
    Bước lên năm bậc thềm là ta đã bước vào TỊNH TÂM ĐIỆN, nơi để chức sắc và tín đồ ngồi tịnh tâm và định thần giữ lòng thanh tịnh trước khi vào chầu Lễ. Trước mặt ta là tượng Tam Thánh. Tam Thánh là ba vị Thánh ở Bạch Vân Động nơi cõi Thiêng liêng (hình 9 ). Đó là :
     - Đức Thanh Sơn Chơn nhơn mà trong kiếp giáng trần ở Việt Nam có tên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình). Ngài cầm bút lông viết tám chữ Nho :
              THIÊN THƯỢNG, THIÊN HẠ-
    BÁC ÁI, CÔNG BÌNH
    - Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn mà trong kiếp giáng trần ở nước Pháp là Đại văn hào Victor Hugo. Ngài cầm bút lông ngỗng viết các chữ Pháp :
                  DIEU ET HUMANITÉ –
    AMOUR ET JUSTICE
    - Đức Trung Sơn Chơn nhơn mà trong kiếp giáng trần ở Trung Hoa, Ngài là nhà cách mạng có tên là Tôn Văn, Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen) đã lập nên nền dân chủ. Ngài cầm nghiên mực tỏa hào quang, tượng trưng dung hòa văn hóa Đông Tây đặt trên nền tảng triết lý tối cổ của Nho giáo. 
    Ba vị Thánh này thay mặt nhơn loại ký bản  hoà ước giữa Trời và Người gọi là Thiên Nhơn hòa ước. Hòa ước này rất đơn giản, chỉ có bốn chữ :
                          BÁC ÁI – CÔNG BÌNH
                THƯƠNG YÊU và CÔNG CHÁNH, là hai điều Thượng đế yêu cầu con người thực hiện để được cứu rỗi. Nếu con người không thực hiện mà làm ngược lại thì sẽ bị đọa, không còn kêu nài gì được nữa. Muốn được bốn chữ đó phải tìm cách phụng sự nhơn sanh, giúp đời bớt khổ. Hòa ước này được ký kể từ ngày Đức Thượng Đế mở Đạo Cao Đài để Đại Ân xá cho nhơn loại.
                Từ Tịnh Tâm Điện có đường lên lầu Hiệp Thiên Đài, nơi đặt bàn thờ Chức sắc Hiệp Thiên Đài đã qui liễu. Trước bàn thờ là nơi ban nhạc lễ đàn khi cúng. Từ Hiệp Thiên Đài có hai đường lên lầu chuông, lầu trống. Mỗi tầng bên trên có một cửa sổ lớn nên tiếng chuông. trống khi đánh lên vang vọng trên không trung.
    C. BÊN TRONG ĐỀN THÁNH
    1. Hiệp Thiên Đài:
    Từ Tịnh Tâm Điện có hai cửa đi vào bên trong Đền Thánh. Bên trong được chia thành ba gian. Ở giữa là chánh điện, bên phải dành cho Nam phái quỳ hành lễ, bên trái dành cho Nữ phái.
    Quay lại nhìn vào mặt sau bức tường có hình Tam Thánh, ta thấy :
             - Tượng Đức Hộ Pháp ở giữa, mặc đại phục, đứng trên tòa sen, đặt trên bực cao hơn hết, dưới có 7 đầu rắn, tay mặt cầm Kim Tiên.
             - Tượng của Đức Thựơng Phẩm Cao Quỳnh Cư bên tay mặt Đức Hộ Pháp, đứng trên tòa sen trước cây Phướn Thượng Phẩm, mặc đại phục, tay mặt cầm Long Tu Phiến có gắn Phất chủ, tay trái cầm xâu chuỗi Từ Bi.
             - Tượng của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang bên trái Đức Hộ Pháp, đứng trên tòa sen trước cây Phướn Thượng Sanh, mặc đại phục, tay mặt cầm Phất chủ, tay trái cầm xâu chuỗi từ bi, sau lưng giắt Thư Hùng Kiếm.  (hình 10)
    Đức Hộ Pháp đạp lên hai đầu rắn có chữ Nộ (hờn giận), Ai (buồn) và hai tay kềm hai đầu rắn có chữ Ố (oán ghét), Dục (ham muốn) tượng trưng cho 4 tính xấu cần chế ngự, và 3 đầu hướng lên tức 3 tính tốt cần nuôi dưỡng là: Hỉ (vui mừng), Ái (thương xót), Lạc (vui vẻ).
    Đầu rắn quấn vào đôn Đức Hộ Pháp, phần giữa quấn vào đôn Đức Thượng Phẩm, và đuôi rắn quấn vào đôn của đức Thượng Sanh.
    Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là vị đứng đầu chi Pháp.
    Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đứng đầu chi Đạo.
    Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang đứng đầu chi Thế.
    Trên vách tường sau ngai Đức Hộ Pháp có tạc một chữ KHÍ với ý nghĩa thờ khí sanh quang. Chữ KHÍ là nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn vật. Toàn bộ Pháp giới điều khiển Càn khôn Vũ trụ đều do nơi chữ KHÍ mà sanh sanh hóa hóa. Hai bên chữ KHÍ có đôi liễn:
    PHẠM GIÁO TÙY NGƯƠN, CỨU THẾ ĐỘ NHƠN HÀNH CHÁNH PHÁP.
    MÔN QUYỀN ĐỊNH HỘI, TRỪ TÀ DIỆT MỊ HỘ CHƠN TRUYỀN.
    Ý nghĩa:
    Phật dạy tùy thời mà cứu độ người đời, thi hành chánh pháp
    Quyền lực nơi cửa Đạo định ra thời kỳ diệt tà mị, bảo hộ chơn truyền.
    Hiệp Thiên Đài là cơ quan có nhiệm vụ thông công giúp con người liên hệ học hỏi với các Đấng thiêng liêng. Hiệp Thiên Đài là cơ quan Đạo Pháp, là cầu nối giữa thế gian (Cửu Trùng Đài) với Thần, Thánh, Tiên, Phật (Bát Quái Đài).
     2. Cửu Trùng Đài:
    Bên trong Đền Thánh có 28 cột rồng tượng trưng cho Nhị Thập Bát Tú giáng trần giáo đạo đứng chầu Thượng Đế. Các cột rồng sơn màu xanh, đỏ, trắng là để tượng trưng cho ba kỳ phổ độ.
              - Nhất kỳ phổ độ có Thanh Dương Đại Hội để phán đoán đức hạnh và công quả tu hành của nhân sanh do Đức Phật Nhiên Đăng chưởng pháp.
              - Nhị kỳ phổ độ có Hồng Dương Đại Hội do Đức Phật Di Đà điều khiển.
     - Tam Kỳ Phổ Độ có Bạch Dương Đại Hội do Đức Di Lặc chưởng quản.
    Do đó, các rồng trắng dưới quả Càn Khôn cho biết đã đến thời kỳ Bạch Dương và cột rồng vàng (Huỳnh long) tượng trưng các vị Phật đến dự Đại Hội Long Hoa.
    Cửu Trùng Đài là phần giữa, nối liền Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài.Cửu Trùng Đài có chín bậc, mỗi bậc dài 7m, bậc trên cao hơn bậc dưới 18cm. Mỗi bậc ngăn cách nhau bằng hai cột rồng xanh. Tổng cộng có 18 cột đứng thành hai hàng song song.
    Cửu Trùng Đài có 9 bậc tương ứng với hệ thống 9 bậc giáo phẩm như sau: Từ thấp lên cao có: Tín đồ (Đạo hữu), Chức Việc Bàn Trị Sự, Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp và Giáo Tông.
    Trên vòm trần nhà tượng trưng bầu trời có màu xanh biếc với những đám mây trắng cùng hàng trăm vì tinh tú. Ở giữa có chạm hình 6 con rồng (2 con màu vàng, 2 con màu xanh, 2 con màu đỏ), chung quanh sơn màu xanh da trời, lấy ý trong bài Ngọc Hoàng Kinh là : Thời thừa lục long, du hành bất tức.
     Ý nghĩa: Đức Chí Tôn thường ngự trên sáu con rồng,theo thời vận tuần du khắp vũ trụ.Sáu rồng còn là quẻ Càn, tượng trưng Đạo Trời.Đạo biến hóa nhiệm mầu khắp nơi, không hề ngưng nghỉ.
    Hàng chức sắc quỳ cúng hành lễ ở gian chính giữa. Tín đồ nam, nữ quỳ ở hai bên riêng biệt (hình 11). Hai gian bên có trần nhà phẳng, khắc hình Lân, Quy, Phụng. Các con thú này hợp với Rồng ở hàng cột được gọi là Tứ Linh.
    Từ Bát Quái Đài đếm trở xuống thì cấp thứ sáu dành cho Giáo Hữu.Ở cấp này, mỗi bên nam nữ  có một Giảng Đài ,cấu trúc là một cột có rồng uốn khúc với miệng phun ra 6 chia chống đỡ Giảng Đài.Giáo Hữu là cấp đã chế ngự được lục trần ( Sắc, thanh, hương , vị, xúc, pháp) và thông suốt giáo lý để làm nhiệm vụ phổ tế.
    Hai bên vách Đền Thánh tạc hình hoa sen, gương sen và ngó sen trong khung hình chữ nhựt đứng, ở giữa có khung tam giác tạc Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt rất sinh động. Khung hình này mang  nhiều ý nghĩa mầu nhiệm:(hình 12)
    - Thiên Nhãn tượng trưng cho Thái cực.
    - Hình tam giác tượng trưng cho Tam giáo đồng nguyên.
    - Bụi sen trên, bụi sen dưới tượng trưng Âm Dương tức Lưỡng Nghi
    - 4 trái sen hai bên tượng trưng Tứ Tượng
    - 8 lá sen tượng trưng Bát Quái
    - 12 ngó sen tượng trưng Thập nhị Khai Thiên.
    Cây Sen tượng trưng cho đời sống con người và cũng tượng trưng cho đời sống của Đại vũ trụ. Triết lý huyền bí dạy các yếu tố của cả hai đều giống nhau và đều phát triển theo cùng một hướng. Rễ sen chìm trong bùn, tượng trưng đời sống vật chất; thân đi xuyên qua nước, tượng trưng cho đời sống cõi cảm dục, còn hoa nổi trên nước và mở ra với bầu trời, tượng trưng cho đời sống tinh thần.
    Phần tiếp giáp với Bát Quái Đài có đặt bảy cái ngai sơn son thếp vàng chạm trổ tinh vi, được đặt theo thứ tự:
    - Một ngai Giáo Tông chạm rồng.
    - Ba ngai Chưởng Pháp chạm phượng.
    - Ba ngai Đầu Sư chạm lân.
     Bảy chiếc ngai bị chắn bởi bức bình phong chạm rồng mạ vàng rất linh động. Hai bên ngai thiết trí hai hàng lổ bộ bửu pháp của Bát Tiên.
    3. Bát Quái Đài
    Bát quái là tám quẻ đơn tượng trưng cho muôn vật, là hệ thống ký hiệu đơn giản cho mọi hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên và đời sống con người, mà sáu mươi bốn (8x8) quẻ kép là sự triển khai bát quái lập thành hệ thống chi tiết hơn.
    Lập Bát Quái Đài để thờ Thượng Đế là thờ Đấng Tạo hoá đã tạo lập ra càn khôn vũ trụ (hình 13).
    Bát Quái Đài có 12 bậc, mỗi bậc cao 10cm với 8 cạnh, dưới to trên nhỏ theo hình tháp. Mười hai bậc tượng trưng cho 12 tầng Trời. Theo giáo lý Đạo Cao Đài thì Thượng Đế là Đấng Thập nhị Khai Thiên (số 12 là số riêng của Trời). Bậc đầu tiên cao hơn mặt đất 2.4m và bậc trên cùng cao hơn mặt đất là 3.6m (bội số của 12)
    Bậc tiếp giáp với Cửu Trùng Đài được gọi là Cung Đạo. Trên nóc Cung Đạo đúc vòm Trời và một hình bầu dục mây trắng chung quanh những tia hào quang dài (12) xen kẻ với những tia hào quang ngắn (24). Bên trong có chạm hình Thiên Nhãn, một người nam tượng trưng cho nhân lọai, Đại ngọc cơ, Tiểu ngọc cơ với bảng mẫu tự A,B,C..., một cái bàn ba chân dùng xây bàn, một ống xăm; tất cả là những phương tiện thông công giữa người và cõi vô hình (hình 14) Trong kỳ lập Đạo lần này, Đức Thượng Đế đã dùng Cơ bút để dạy Đạo ở buổi đầu.
     Ngoài các hình trên, còn có quyển sách, một bảng màu đen cho thấy ba hàng chữ Nôm có nội dung:
     Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền.
     Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên
     Đạo mầu rưới khắp...
    Ngoài ra còn có xấp giấy viết mấy câu thơ chữ Nôm:
     Viết thử Thiên Thơ với nét trần
     Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng Quân
     Chuyển luân thế sự...
    Một bàn tay cầm bút lông từ trong mây đưa ra:
     Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ
     Khai Đạo muôn năm trước định giờ
     May bước phải gìn...
    Mặt trước và phía trên Cung Đạo có đúc bức hoành hình chữ M, tạc tượng các Giáo chủ của Tam giáo, Tam Trấn và Ngũ chi Đại Đạo. (hình 15)
    - Hàng trên là ba vị Giáo chủ : Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử .
    - Hàng giữa là ba vị Tam Trấn : Quan Âm, Lý Bạch, Quan Thánh. Ba vị này tượng trưng cho ba tánh BI, TRÍ, DŨNG của Tam Giáo
    - Hàng dưới Lý Bạch là Jésus Christ và Khương Thượng.
    Khi xếp một vị ở dưới một vị khác, không có ý nghĩa cao thấp. Nếu kể từ Đức Thích Ca xuống thì đại diện Ngũ Chi Đại Đạo là: Phật đạo (Thích Ca), Tiên đạo (Lý Bạch), Thánh đạo (Jésus Christ), Thần đạo (Khương Thái Công), Nhơn đạo (Giáo Tông).
    Bức hoành bên tả thờ Bát Tiên.
    Bức hoành bên hữu thờ Thất Thánh
    Phần sau của Bát Quái Đài là nơi đặt quả Càn Khôn. Phần này nằm về hướng Đông của Đền Thánh. Càn Khôn là hai quẻ trong Kinh Dịch, tượng trưng cho Trời và Đất. Quả Càn Khôn tượng trưng vũ trụ của Đấng Ngọc Hoàng.
    Quả Càn Khôn có bề kính tâm 3.3m, màu xanh da trời, cẩn 3072 ngôi sao (tinh tú) tượng trưng cho Tam Thiên thế giới và Thất Thập Nhị Địa, trong đó địa cầu mà con người đang ở là địa cầu thứ 68. Trên chòm sao Bắc Đẩu vẽ Thiên Nhãn. Ngọn đèn đặt tại tâm quả địa cầu tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn.
    Trước quả Càn Khôn  là bàn thờ (hình 16). Trên Thiên bàn có đủ 12 phẩm vật:
    - Thiên Nhãn
    - 1 Thái Cực Đăng (ngọn đèn luôn luôn cháy tượng trưng cho linh hồn vũ trụ)
    - Hai cây đèn ở hai bên tượng trưng cho lưỡng nghi (âm - dương)
    - 1 bình hoa (tượng trưng cho TINH) và 1 dĩa trái cây
    - 3 ly rượu (tượng trưng cho KHÍ)
    - 1 tách trà (tượng trưng cho THẦN) và 1 tách nước lạnh (nước Âm Dương)
    - 1 lư hương
    Khi cúng sẽ đốt 5 cây nhang và cắm thành hai hàng: hàng trong 3 cây, hàng ngoài 2 cây. Năm cây nhang tượng trưng cho sự vận chuyển của ngũ hành để cho vũ trụ điều hòa, vạn vật sanh trưởng. Trong phép tu luyện, người tu phải qua 5 giai đoạn tu tập: Giới, Định, Huệ, Tri kiến và Giải thoát.
    TINH, KHÍ, THẦN là ba vật báu của con người:
    - Tinh là xác thân do cha mẹ sinh ra, còn gọi là đệ nhất xác thân.
    - Khí là trí não của chúng ta, còn được gọi là đệ nhị xác thân hay là chơn thần, do Đức Phật Mẫu- Mẹ Thiêng liêng ban cho.
    - Thần là yếu tố Thiêng liêng, bất tiêu bất diệt, còn được gọi là đệ tam xác thân hay là chơn linh, do Đức Chí Tôn ban cho. Nhờ có chơn linh, con người mới hiểu biết, khôn ngoan hơn vạn vật.
    Nếu Trời có ba báu là Nhựt, Nguyệt, Tinh; Đất có ba báu là Thủy, Hỏa, Phong thì người có Tinh, Khí, Thần.
    Mỗi ngày lễ cúng được tổ chức ở bốn thời điểm: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Khi đó, tín đồ sẽ mặc áo dài toàn trắng, còn các chức sắc có đạo phục theo quy định trong Pháp Chánh Truyền
    Lễ dâng rượu phải đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) và giờ Tý (12 giờ khuya) vì vào thời đó, ngươn khí của Trời Đất hưng vượng. Cúng vào giờ này, trí não ta được sáng suốt.
    Lễ dâng trà phải vào thời Mẹo (6giờ sáng) và giờ Dậu (6g chiều) vì đó là thời điểm ngươn thần của Trời Đất hưng vượng. Cúng vào giờ này, thần người cúng dễ an tịnh.
    Dưới quả Càn Khôn là bài vị các Đấng đã kể ở trên. Dưới nữa có một cái hầm đựng tro của các vị chức sắc lớn.
    NHẬN XÉT
    Bát Quái ở Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh có nét độc đáo khác với Dịch lý truyền thống.
      Bậc thứ 12 có 8 quẻ Bát Quái không theo thứ tự Tiên Thiên của Phục Hy (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Càn, Khôn), mà cũng không theo thứ tự Hậu Thiên của Văn Vương (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) theo chiều kim đồng hồ.
      Bát Quái Cao Đài “CÀN, KHẢM, CẤN, CHẤN, TỐN, LY, KHÔN, ĐOÀI” đổi chiều quay Bát Quái hậu thiên, 8 quẻ đặt ngược chiều kim đồng hồ (tức cùng chiều với chiều quay trái đất quanh mặt trời). Như vậy chỉ có 2 quẻ CHẤN (hướng Đông) và ĐOÀI (hướng Tây) không đổi.
    Sự đổi chiều này mang ý nghĩa phản phục, qui nguyên. Bát Quái Hậu Thiên là chiều vãng (đi ra) - của Nhất kỳ và Nhị kỳ Phổ độ, Bát Quái Cao Đài là chiều lai (trở về) - của Tam kỳ Phổ độ.
    Khi đặt ngôi thờ Thượng Đế (Thái Cực Thánh Hoàng - Đấng sáng tạo vũ trụ) ở hướng Đông thì tương ứng với cung Chấn của Bát Quái - CHẤN là tiếng động, là tiếng nổ. Theo giáo lý Cao Đài: Vũ trụ được tạo thành từ một tiếng nổ (Big bang). Hư Vô chi khí sinh ra Thượng Đế và Thượng Đế tạo ra Càn Khôn vũ trụ, chúng sinh. Vì Thượng Đế vốn từ Hư Vô chi khí nên không có hình ảnh nào mô tả nỗi.
    Đức Thượng Đế chọn quả Càn Khôn tạo Thiên Nhãn làm ngôi thờ thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa sâu xa huyền nhiệm, không thể lý giải được hết.
    Ý NGHĨA VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:
    Có thể tạm giải thích theo những ý sau :
    - Thờ Thiên Nhãn là thờ cái Tâm của con người. Tâm đây là lương tâm, chơn tâm, thiên tâm có sẵn trong chúng ta và giúp ta phân biệt phải trái, biết nhơn nghĩa đạo đức. Tâm Thánh nhân giữ không để vật dục chi phối. Tâm được trau giồi trong sáng sẽ có trực giác, giao tiếp được với cõi Thiêng Liêng vì Trời, Người đồng một Lý.
    - Thờ Thiên Nhãn còn có ý nghĩa thờ khối Đại Linh Quang mà con người là một Tiểu Linh quang. Chơn linh hay thường được gọi là Linh hồn chính là khối ánh sáng bé nhỏ được chiết ra từ khối ánh sáng vĩ đại của Thượng Đế. Đức Chí Tôn đã giải thích ý nghĩa việc thờ Thiên Nhãn như sau:
                       Nhãn thị chủ tâm.
                       Lưỡng quang chủ tể
                       Quang thị Thần.
                       Thần thị Thiên
                       Thiên giả ngã giả
    Ý nghĩa: Con mắt làm chủ cái Tâm. Hai ánh sáng trong mắt là phần chủ tể. Ánh sáng ấy là Thần. Thần ấy là Trời. Trời là Ta vậy.
      - Việc thờ Thiên Nhãn còn có ý nghĩa trong việc luyện Đạo vì Thần có hiệp cùng Tinh, Khí thì mới có thể siêu phàm nhập Thánh. Người tu đoạt Pháp sẽ có thêm con mắt thứ ba gọi là Huệ Nhãn, thấy được cõi vô hình. Mở Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã hứa sẽ ‘‘hườn nguyên chơn thần các con đắc đạo’’
      -Thờ Thiên Nhãn với con mắt mở tượng trưng Trời thấy và hiểu tất cả những gì con người làm và nghĩ. Vẽ con mắt trái vì bên trái thuộc Dương. Trời Dương, Đất Âm. Con mắt trái là hình thể hữu vi. Thiên Nhãn là cái lý màu nhiệm huyền bí thuộc lãnh vực siêu hình, biểu tượng sự sáng suốt tột cùng bao trùm cả Càn khôn vạn loại.
    - Đạo Cao Đài có tôn chỉ qui Tam Giáo, hiệp Ngũ chi nên việc thờ Thiên Nhãn có tính đại đồng và chỉ thờ một con mắt vì số một là số khởi thủy của các số: Đạo sanh nhất, nhất sanh nhị, nhị sanh tam, tam sinh vạn vật. Thế nên, thần học Cao Đài là “nhất nguyên luận”.
    D. BÊN NGOÀI ĐỀN THÁNH
    Mỗi bên hông Đền Thánh có 6 cửa ra vào. Các bậc lên xây dựng như bậc thang mà hai bên có tượng Kim Mao Hẩu.
    Nóc của Cửu Trùng Đài lợp ngói đỏ, có Nghinh Phong Đài. Đài cao 17m, phần dưới hình vuông, phần trên hình vòm cầu trông giống kiến trúc của các nhà thờ Hồi giáo. Trên quả địa cầu có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông. Bởi lẽ Á châu là nơi phát sinh của nhiều tôn giáo “Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông” (hình 17)
    Dưới mái hiên Đài trang trí các dây trái nho. Trên dây nho có vẽ đôi chim hạc bay trên biển vào lúc rạng Đông. Đức Jesus đã giảng: “ Ta là cây nho, các con là cành.”. Ngài ban phát sự sống và sức sanh sản cho các cành là chúng ta. Cây và trái nho tượng trưng Hình Thể, nước nho tượng trưng Chơn Thần, và rượu nho tượng trưng Linh Hồn (hình 18).
    Nóc Bát Quái Đài cao 30m, lợp ngói màu vàng, trên đỉnh đúc tượng Tam Thế Phật (hình 19) :
     - Phật Brahma mặt nhìn về hướng Tây, đứng trên lưng con Thiên Nga, tay mặt bắt ấn, tay trái cầm bửu châu
     - Phật Chrisna (Krisna), một hóa thân của Phật Vishnu mặt nhìn về hướng Nam, đứng trên con Giao Long, một tay chống nạnh và một tay chống bửu kiếm.
     - Phật  Civa (Siva) mặt nhìn về hướng Bắc, đứng trên Thất đầu xà và đang thổi sáo.
    Tam Thế Phật tượng trưng ba ngôi của Thượng Đế: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. Đó là cơ tuần hoàn của vũ trụ theo lẽ biến dịch. Theo Đạo Cao Đài, nhân loại  đang ở vào Hạ nguơn tam chuyển, thời mạt pháp. Đạo Cao Đài được sáng lập nhằm mục đích giác ngộ loài người hướng thiện, mở một kỷ nguyên hòa đồng, hiệp đồng và đại đồng. Thánh giáo gọi đó là trở về đời Thượng nguơn Thánh Đức.
    Sau lưng Đền Thánh có dãy nhà mà từ trên cao ta thấy chúng hợp với Đền Thánh thành chữ SƠN theo Hán tự.

        Các công trình kiến trúc khác trong nội ô Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh
    Trong nội ô Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh còn có nhiều công trình kiến trúc khác như Hạnh Đường (nơi hội họp và mở khóa huấn luyện tu sĩ), Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường, Nữ Đầu Sư Đường, nhà làm việc của cơ quan Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, nhà Vạn Linh, Bắc Tông, Trung Tông, Tần Nhơn, bệnh viện, trường học, Khách đình, nhà Thuyền Bát Nhã, các xưởng thợ. Đặc biệt là Đền thờ Phật Mẫu, nơi thờ Mẹ Thiêng liêng của nhơn loại và Bá Huê Viên ở phía đối diện Đền. Đền thờ Phật Mẫu là nơi diễn ra Hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm.
    Khu rừng nguyên thủy mang tên “Rừng Thiên Nhiên” có tuổi gần trăm năm đã tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên.

    Top of Page







        Henri Regnault trong một hội nghị về Thần Linh Học tại Lausane, Thụy Sỹ (1948) đã cho rằng:
         “Trong tôn giáo Cao Đài, nghệ thuật có một vị trí rất quan trọng. Kiến trúc trong và ngoài Đền Thánh có một vẻ đẹp mỹ thuật đáng được chú ý đặc biệt.”

    Thật vậy, Đền Thánh có kiến trúc kết hợp giữa Âu và Á. Với hai lầu chuông trống cao như tháp chuông nhà thờ phương Tây, nhưng Đền cũng có mái lợp uốn cong nhẹ, mái kép kiểu “trùng thiềm điệp ốc” của phương Đông (HÌNH 20). Chính giữa mặt tiền và ở trên nóc có tượng Đức Di Lặc ngự trên tòa sen ... đã cho thấy triết lý Đạo Cao Đài có nguồn gốc từ Phât giáo cổ xưa và nay giữ nhiệm vụ phổ độ chúng sanh trong kỳ hạ nguơn này. Dãy cột rồng và hoa sen ở ngay cửa chính báo tin Long Hoa Hội do Đức Di Lặc chưởng quản sẽ khai diễn tại nước Việt Nam.
    Bên ngoài Đền Thánh nhìn lên Nghinh Phong Đài có hình vòm cong, thường thấy trong kiến trúc của các nhà thờ Ấn Độ và Trung Đông. Tuy được kết hợp bởi các lọai hình kiến trúc Âu Á khác nhau như thế nhưng Đền Thánh vẫn nổi bật nét văn hóa Việt với Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng và hình ảnh hoa sen.
         Khi du khách đến viếng Đền Thánh, ấn tượng đẹp đầu tiên đến với họ là khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc xây dựng với thiên nhiên xung quanh.
         Công trình kiến trúc này vừa mang dấu ấn Dịch lý và triết lý tôn giáo ẩn chứa bên trong, vừa có vẻ đẹp hài hòa, kết cấu bền vững.
         Được cất từ những năm 30, 40 của thế kỷ XX nhưng các người thợ xây dựng đã sáng tạo bê tông cốt tre, đã biết dùng mái bê tông giả ngói với mái cong ba tầng. Các ngăn đều có hình ảnh long giáng tạo nên vẻ thanh thoát.
    Các cột được đắp hình rồng, sen khiến công trình không còn đơn điệu. Gió và ánh sáng cũng được chú ý để tràn ngập trong Đền sự thoáng mát, không lo đến sự ẩm thấp.
          Tóm lại, trong vùng Đất Thiêng (cuộc đất được coi là Lục Long phò ấn), không có máy móc, không một kiến trúc sư hay một kỹ sư xây dựng nào, mà chỉ dưới sự chỉ dẫn của các Đấng Thiêng Liêng, những người thợ xây dựng nghèo khó, ít học và giàu đức tin đã hoàn thành một kiệt tác kiến trúc ẩn chứa bao nhiêu điều mầu nhiệm về bí pháp.
    Đền Thánh Tây Ninh thực sự là một kỳ quan, một di sản văn hóa của nhân loại.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét